Ngữ Văn 11 | Phân tích cảnh hạ huyệt trong "Hạnh phúc của một tang gia"

Ngày 06/01/2022 09:51:54, lượt xem: 3329

Bước qua những trang cổ tích nhẹ nhàng êm ái của Thạch Lam, đắm chìm trong nỗi bi thương khuất tất của cuộc đời như những tấm vải rách chẳng chút vẹn nguyên trong những trang truyện của Nam Cao, ta quay trở về với hiện thực lố lăng của xã hội thành thị Việt Nam những năm 1930 - 1940. Một xã hội vặn mình trong lớp vỏ văn minh “ u – hóa” bao trùm lên những trò đời kệch cỡm, dị hợm, nhảm nhí. Trong cái xã hội nhiễu phương, Tây – Ta lẫn lộn ấy, bằng ngòi bút trào phúng sắc sảo của mình, Vũ Trọng Phụng đã tung ra hàng loạt những tiếng cười mang đậm sắc thái phê phán giấu sau những tình huống đầy mâu thuẫn của “Số đỏ” mà điển hình là tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia”. Một màn kịch đầy giả tạo được thể hiện lên trang văn qua cảnh hạ huyệt.

 


Vũ Trọng Phụng được biết đến là một nhà văn và nhà báo nổi tiếng của Việt Nam vào đầu thế kỉ XX. Những tác phẩm văn học của ông đã góp phần cho văn học Việt Nam trước cách mạng tháng Tám một diện mạo mới. Trong toàn bộ những tác phẩm của ông, chúng ta đều có thể thấy rất rõ ý thức bênh vực con người lao động. Chính ngòi bút trào phúng sắc sảo của ông đã vạch trần bản chất của những cái xấu xa, cái ác, bẩn thỉu của một xã hội cũ. Đồng nghĩa với đó là sự tất yếu phải xây dựng một xã hội mới của nhân dân. Có thể nói nhà văn Vũ Trọng Phụng đã thấu hiểu tận cùng cái đáy của xã hội thời ấy ở một góc nhìn không phải là ở trên xuống, từ ngoài nhìn vào là chính là người trong cuộc mới nhìn thấu được con người, xã hội và đưa vào từng trang viết. Những tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng, đúng là được coi là những tác phẩm vượt thời gian. Trong quan điểm của ông, con người nếu không hiện ra những kẻ vô nghĩa lý, sống một cách máy móc, trái với quy luật tự nhiên thì cũng là những kẻ mang tính vô luân: dâm - đểu- bịp, vậy mà lại toàn gặp may. Trong các sáng tác của Vũ Trọng Phụng, yếu tố trào phúng như là một đặc điểm nổi bật, đó cũng là sở trường của ông tạo nên sức mạnh nghệ thuật về ngôn từ cũng như nội dung. Tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của ông phải kể đến tác phẩm “Hạnh phúc của một tang gia” - được trích thuộc chương XV của tiểu thuyết “Số đỏ”, được viết và đăng báo năm 1936 và in thành sách năm 1938.


Mấy chi tiết đặc tả cảnh hạ huyệt càng mỉa mai, trào phúng, thể hiện sự bi hài của đám tang và sự giả dối, bất lương của lũ con cháu đại bất hiếu. Vũ Trọng Phụng tả nó như một vở kịch mà bận tay dàn dựng của đạo diễn quá ư lộ liễu trắng trợn: Trong cái khung cảnh ấy, một khung cảnh đầy “ưu thương”, hiện lên hình ảnh của những kẻ thối nát của xã hội lúc bấy giờ. Cậu Tú Tân đóng vai trò như là một nhà đạo diễn trong tấn bi hài kịch này. Để thỏa mãn sở thích chụp hình nghệ thuật của mình, cậu đã “bắt bẻ từng người một, hoặc chống gậy, hoặc gục đầu, hoặc cong lưng hoặc lau nước mắt như thế này thế nọ”. Thậm chí bạn bè của cậu còn “rầm rộ” nhảy lên những ngôi mộ xung quanh, nhiệt tình tìm những góc chụp đẹp cho khỏi giống nhau. Chất bi hài khiến người đọc cười ra nước mắt. Họ đã biến nơi hạ huyệt thành sàn diễn, tình cảm tiếc thương người chết chỉ còn là trò diễn chứ chẳng xuất phát từ tình cảm xót thương nơi con tim. Cụ cố Hồng thì “ho khạc mếu máo và ngất đi”. Khi bố vừa mất, ông chỉ nghĩ đến tiền và danh dự của bản thân thì việc khóc lóc, ngất xỉu của ông trong giờ khắc cuối cùng tiễn đưa người quá cố này cũng chỉ là một trò diễn mà thôi. Ông đã diễn xuất thật tuyệt vời trong đám tang của bố để đánh bóng bản thân. Chi tiết này góp phần tô đậm sự bất hiếu, giả dối của người đứng đầu cái gia đình được coi là danh giá của Hà thành này. Chỉ có một tiếng khóc lớn nhất bật lên của Phán mọc sừng, tỏ ra vô cùng đau đớn, ông “oặt người đi, khóc mãi không thôi”. Ông chính là người gián tiếp gây ra cái chết của cụ Tổ và tiếng khóc “hứt, hứt” đặc biệt của ông khiến mọi người phải chú ý. Thấy ông khóc đến oặt cả người, đứng không vững, Xuân phải đỡ cho ông ta khỏi ngã. Hành động của Xuân diễn ra theo đúng sự tính toán của ông Phán. Ông đang muốn thanh toán nốt cho Xuân năm đồng còn lại để “giữ chữ tín” trước khi tiếp tục nhờ Xuân quảng cáo cho đôi sừng hươu vô hình trên đầu của ông. Vì thế, trong khi Xuân chật vật đỡ ông đứng lên thì ông “dúi vào tay nó một cái giấy bạc năm đồng gấp tư”. Tiếng “hứt, hứt” của ông Phán thì ra chẳng phải tiếng khóc đau đớn cho một cuộc đời vừa chấm dứt mà là tiếng cười hạnh phúc đang cố gắng kìm nén. Một hành động đầy sự giả dối và tàn ác. Kẻ chủ mưu giết người đang vui mừng thanh toán tiền công cho kẻ giết người ngay cạnh nấm mồ của nạn nhân. Ngòi bút miêu tả cận cảnh của Vũ Trọng Phụng soi vào góc khuất phía sau cái áo thụng trắng, phơi bày toàn bộ sự lừa lọc, nhẫn tâm, vô nhân tính. Đám tang cụ Tổ được Vũ Trọng Phụng miêu tả như một tấn hài kịch mà mỗi nhân vật là một vai hề vừa lố lăng giả dối, vừa tàn nhẫn. Cách tạo dựng tình huống của tác giả rất ngược đời, trái với đạo lý, phong tục. Một đám tang đầy với sự hạnh phúc, vui sướng mà không hề có chút cảm xúc xót xa, mất mát, đau thương của các thành viên trong gia đình. Qua đó, tác giả đã nói lên tất cả sự lố lăng vô đạo đức của cái xã hội thượng lưu nửa thuộc địa nửa phong kiến và trào lưu  u hóa. Cái xã hội mà tác giả gọi là chó đểu, khốn nạn.

 

ĐỌC THÊM Nghệ thuật trào phúng trong "Hạnh phúc của một tang gia" - Vũ Trọng Phụng


Mỗi tác phẩm văn học được ví như chiếc gương khổng lồ soi chiếu và phản ánh xã hội. Đoạn trích “Hạnh phúc của một tang gia” là một tác phẩm như thế! Vũ trọng Phụng không ngần ngại mà phanh phui toàn bộ những xấu xa, bịp bợm của xã hội thượng lưu Việt Nam. Ở đó, những con thú đội lốt người nhi nhao bàn về “văn minh”, “âu hóa” và tiền nghiễm nhiên trở thành cán cân công lý của xã hội, nó lăn qua lương tâm của con người, giết chết tất cả những điều thiện lương, tốt đẹp. Cái xã hội “chó đểu” ấy được Vũ Trọng Phụng dựng lên bằng thủ pháp đối lập, nghịch dị giữa con người bên trong và bên ngoài để từ đó tiếng cười mỉa mai, sâu cay cứ vang lên không ngớt, cứ ám ảnh hồn ta bao năm tháng.


“Một tác phẩm văn học, muốn sống mãi trong trái tim bạn đọc và tồn tại mãi với những phong trần của cuộc đời, thì phải thật đặc biệt” và như một một điều hiển nhiên, ta bắt gặp điều ấy trong “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng, mỗi chương truyện tựa như một màn kịch đặc sắc, một tấn hài kịch vừa bi vừa hài, mỗi nhân vật là một chân dung biếm họa. Bước vào “Hạnh phúc của một tang gia” ta như bước vào một thế giới của những điều hài hước đến kệch cỡm. Những điều giả dối, hài hước ấy được bộc bạch rõ nhất qua những trang văn miêu tả cảnh hạ huyệt của một gia đình giàu có bậc nhất Hà thành. Để rồi khi nhắc đến cảnh ấy, tôi không sao quên được tiếng cười kìm nén của ông Phán mọc sừng: “Hức…Hức…Hức!”.

 

Để tham khảo thêm nhiều bài viết hay, và chạy nước rút hiệu quả, hãy đăng ký sở hữu các đầu sách và đăng ký khoá học của HVCH nhé!

Link đặt sách: https://bit.ly/2ZPn5bZ

Link đăng kí khóa VIP lớp 12: http://bit.ly/KHOAHOCVANVIP2K4

Link đăng kí khóa VIP lớp 11: https://bit.ly/KHOAHOC2K5

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan